Nếu bạn đã từng hoặc đang bị mụn bọc, bạn sẽ thấy nó cực kỳ khó chịu. Không chỉ mất thẩm mỹ do sưng đỏ, mà nó còn khiến bạn rất rất đau do các triệu chứng viêm nhiễm gây ra.
Dù thế nào, mụn bọc cũng thuộc một loại mụn trứng cá, nó nghiêm trọng hơn những loại mụn bình thường, triệu chứng mạnh mẽ hơn và rất không nên nặn mụn loại này.
Nhưng không phải ai cũng có thể phớt lờ mụn bọc, nó như cái gai trong mắt, cái dằm trong tim mà khiến chúng ta rất khó để bỏ quên nó. Chúng ta đều căm ghét nó, muốn loại bỏ nó ngay lập tức.
Và nếu bạn cũng giống như mình, có một số việc bạn nên làm trước, trong và sau khi nặn mụn bọc ( gọi chung là cách nặn mụn bọc ) . Nó đơn giản, nhưng hiệu quả cực kỳ trong việc giảm các tổn thương do việc nặn mụn bọc gây nên. Nó cũng hiệu quả trong việc ngăn ngừa sẹo do mụn, thúc đẩy mụn mau lành và giảm việc mụn lan rộng ra các vùng da xung quanh.
Mục Lục Bài Viết
Có nên nặn mụn bọc hay không ?
Việc nặn mụn bọc chắc chắn gây tổn thương tế bào da, kể cả khi bạn không nặn mà để mụn tự phát triển đến khi nó tự biến mất thì tế bào da cũng vẫn bị tổn thương. Đương nhiên mức độ tổn thương là ít hơn nhiều.
Tuy nhiên nó cũng có cái lợi nhất định.
Thông thường mụn bọc xuất hiện và tự biến mất trong khoảng 1 – 2 tuần. Việc chọn thời điểm và nặn mụn đúng cách sẽ giúp các triệu chứng như sưng, đỏ, đau nhức giảm bớt rất nhiều. Sau khi nặn mụn, nặn và loại bỏ hết mủ, thường thì làn da bắt đầu quá trình hồi phục của nó. Mụn bắt đầu đóng vẩy, liền da và có dạng vết thâm mờ dần theo thời gian.
Nặn mụn bọc, đặc biệt là khi bạn nặn không đúng phương pháp có thể khiến mụn nghiêm trọng hơn. Mụn bọc thuộc dạng mụn gây viêm vì thế nó có khả năng mở rộng ra vùng da xung quanh. Khi mụn tạo thành vết thương hở và tiếp xúc với vi khuẩn, các triệu chứng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn, cá biệt có thể gây ra nhiễm trùng da.
Bạn đã biết lợi và hại của việc nặn mụn, hãy cân nhắc một lần nữa quyết định của bạn. Nếu bạn tự tin làn da của mình là khỏe mạnh, phương pháp nặn mụn của mình là an toàn, vậy đọc tiếp cách nặn mụn bọc bên dưới.
Hướng dẫn CÁCH NẶN MỤN BỌC
Trước tiên, hãy chắc chắn rằng mụn đã tiến triển đến giai đoạn có thể nặn và ép mủ ra ngoài.
Thông thường, sau khi bạn phát hiện làn da xuất hiện mụn bọc, sẽ cần từ 2 – 3 ngày cho mụn phát triển và đi đến giai đoạn bưng mủ.
Bạn sẽ cảm thấy mụn bóng nước, ấn nhẹ thấy đau đến mức chảy cả nước mắt, và có thể có đầu trắng trên mụn.
Càng để mụn phát triển dài, việc nặn mụn càng ít gây ra các tổn thương. Tốt nhất hãy chờ đến khi có một chấm trắng li ti trên đầu mụn thì hãy thực hiện việc nặn mụn bọc.
CÁC BƯỚC NẶN MỤN BỌC:
1. Làm sạch da: Vùng da mọc mụn và vùng da xung quanh nên được làm sạch. Tốt nhất hãy rửa mặt bằng nước muối một lần trước khi bắt đầu nặn mụn. Việc này đảm bảo giảm tối đa vi khuẩn và bụi bẩn – nguyên nhân chính gây nghiêm trọng hơn các vấn đề về viêm nhiễm.
2. Trích đầu mụn: Dùng một chiếc kim đã diệt trùng ( bằng cách hơ lửa, hoặc ngâm nước muối nóng ) trích vào đầu mụn để tạo thành một lỗ nhỏ. Bạn chỉ dùng nhẹ nhàng để trích một lỗ nhỏ trên đầu mụn nhưng không trích quá sâu, mục đích chính là tạo một lối thoát cho mủ ra ngoài.
So với việc bạn trực tiếp dùng tay nặn mụn, thì việc trích đầu mụn giúp giảm đáng kể vùn tổn thương sau khi nặn mụn bọc. Quá trình này còn giúp giảm khá nhiều đau đớn trong quá trình ép mủ.
3. Vệ sinh bàn tay, ngón tay: Rửa sạch tay bằng chanh là tốt nhất, chú ý đến các ngón tay bạn sẽ dùng trực tiếp để nặn mụn. Thường thì chúng ta sẽ dùng 2 ngón tay để ép mủ ra ngoài, và 2 ngón này cần được quấn bông gòn y tế sạch trước khi bắt đầu nặn mụn.
4. Nặn mụn bọc: Dùng các ngón tay đã quấn bông, nhẹ nhàng massage mụn bọc trong khoảng 30 giây. Khi massage, tăng dần cường độ nhấn cho đến khi bạn thực sự cảm thấy đau không chịu được thì thôi.
Dùng các đầu ngón tay, nhấn nhấn xung quanh vùng chân mụn thêm 30 giây nữa.
Ép 2 ngón tay vào chân mụn, tăng lực cho đến khi mủ bắn ra ngoài.
Việc này đòi hỏi quyết tâm khá lớn, khi bạn tạo sức ép lên mụn bọc, bạn sẽ cảm thấy đau đớn đến mức cực kỳ khó chịu, nước mắt bạn sẽ chảy nhưng nên quyết đoán hơn một chút và cố thêm một chút là xong việc rồi.
Thường thì mủ bắn ra cũng có 2 loại: mủ cứng dạng nhân và mủ nước. Mủ cứng sẽ bắn ra trước, mủ nước thì bạn cần dùng 2 ngón tay tiếp tục ép xung quanh mụn để cố gắng loại bỏ hoàn toàn.
Nên thực hiện việc ép mụn cho đến khi bạn thấy không còn mủ, thay vào đó là những giọt máu màu đỏ tươi là được.
Dùng bông gòn sạch tẩm cồn sát trùng ( hoặc nước muối sinh lý ) thấm máu chảy ra khoảng 5 đến 6 lần. Sau đó dùng băng gạc để băng lại.
5. Xoa dịu: Để giảm vết thâm cũng như sẹo sau này, sau khi nặn mụn, nên massage một lần nữa theo chuyển động tròn vùng da có mụn bọc. Việc này giúp máu lưu thông đều trên các vùng da xung quanh và giảm thâm ngay lập tức.
Mủ trong mụn có thể hình thành một lần nữa nhưng với mức độ nhẹ nhàng hơn, không hoặc ít gây đau đớn. Bạn có thể thực hiện nặn mụn bọc lần thứ 2 khi thấy mụn bưng mủ tuy nhiên, tốt nhất là không nặn mụn lần 2 vì dù sao nó cũng bớt đau, bớt mủ, bớt khó chịu rồi.
LƯU Ý QUAN TRỌNG:
- Mụn bọc sau khi nặn là dạng vết thương hở nên cực kỳ nhạy cảm. Bạn không nên trang điểm trên vùng da vừa nặn mụn bọc, cũng không nên để vùng da này tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn tránh trường hợp bị nhiễm trùng.
- Có thể dùng toner trên vùng da sau khi nặn mụn làm dịu và giảm các vết sưng đỏ sau khi nặn mụn, dùng đá chườm mát để giảm sưng, dùng kem kháng khuẩn để giữ vết mụn sạch sẽ… và nên tham khảo 5 việc cần làm ngay sau khi nặn mụn.
Trên đây là tất cả các bước trong cách nặn mụn bọc được hướng dẫn bởi Mình Là Con Gái. Mọi chia sẻ, góp ý, thắc mắc hoặc cần hỗ trợ bạn có thể thực hiện trong phần thảo luận bên dưới.