Hiện nay tỏi đen khá là phổ biến với các gia đình Việt, tuy nhiên giá thành sản phẩm cao cũng là một yếu tố để các chị em đắn đo lựa chọn sử dụng tỏi đen. Một cách dễ dàng để vừa có tỏi đen để sử dụng và vừa tiết kiệm chi phí là làm tỏi đen tại nhà bằng nồi cơm điện.
Mục Lục Bài Viết
Chuẩn bị nguyên liệu:
- Tỏi tươi: 1kg
- Bia: 1 lon
- Giấy bạc
- Nồi cơm điện
Các bước thực hiện:
1. Chọn tỏi
Bước đầu tiên để có thể làm tỏi đen thành công đó chính là chọn tỏi. Các bạn nên chọn tỏi tép to, đều và đẹp. Nếu có điều kiện các chị em có thể chọn mua tỏi Lý Sơn, giá thành tuy hơi cao nhưng sẽ cho ra những mẻ tỏi đen cực kỳ chất lượng.
Ngoài ra tỏi Bắc cũng là một chọn lựa không tồi, tỏi thơm, củ to, chắc và đều mà giá thành lại rẻ hơn tỏi Lý Sơn nhiều.
Một lưu ý khi làm tỏi đen tại nhà là tuyệt đối không mua tỏi Trung Quốc để làm nhé, nó sẽ ảnh hưởng đến mùi vị cũng như không đảm bảo về chất lượng tỏi.
Tỏi sau khi mua về, để khô, bóc bớt lớp vỏ bên ngoài để làm sạch, cắt bỏ cuống dài nếu có, chỉ giữ phần củ tỏi để làm tỏi đen.
2. Ngâm lên men với bia
Tỷ lệ ngâm: 1 kg tỏi ngâm với 1 lon bia trong thời gian 30 phút.
Bước tiếp theo, các bạn cho tỏi vào thau sạch ngâm chung với 1 lon bia, bia loại nào cũng được, đa phần mọi người hay dùng bia Tiger hoặc bia Heineken hoặc Sài gòn.
Sau khi đổ bia vào ngập tỏi rồi thì cứ một vài phút đảo một lần để tỏi ngấm đều bia và bắt đầu quá trình lên men. Các bạn lưu ý chỉ ngâm đúng 30 phút thôi nhé, nếu để lâu hơn thì tỏi đen làm ra sẽ có vị chua nhiều, mất đi vị ngọt mềm vốn có.
3. Bọc tỏi với giấy bạc
Sau khi ngâm tỏi với bia 30 phút, bước tiếp theo là vớt tỏi ra, ngay lúc tỏi còn ướt, xếp vào một tờ giấy bạc lớn rồi sau đó bọc lại. Cần lưu ý bọc kỹ các góc để tránh không khí lọt vào bên trong làm hỏng mẻ tỏi.
Lớp giấy bạc có tác dụng làm giảm bớt nhiệt độ của nồi cơm điện tác động lên tỏi trong quá trình tỏi đen hình thành, tránh tình trạng khi tỏi vẫn còn màu trắng chưa chuyển đen được bị cháy do nhiệt độ trong nồi quá cao.
4. Ủ tỏi trong nồi cơm điện
Bước tiếp theo là ủ tỏi bằng nồi cơm điện, các bạn cho bọc tỏi đã được quấn kín bằng giấy bạc vào nồi cơm điện, bật ở chế độ warm liên tục trong thời gian 14 ngày.
Hai ngày đầu tiên mùi tỏi sẽ rất nồng và nặng mùi nên các chị em nên để nồi cơm điện ở nơi thoáng khí, ít ảnh hưởng đến gia đình nhé.
Có rất nhiều chị em chia sẻ kinh nghiệm ủ tỏi chỉ tầm 10 ngày, tuy nhiên 10 ngày chỉ đủ để hình thành tỏi màu nâu nhạt do không đủ thời gian và nhiệt lượng cần thiết, vì vậy nếu muốn có tỏi đen để sử dụng thì các bạn nên để đến ngày thứ 14 nhé.
5. Theo dõi quá trình lên men của tỏi
Trong suốt quá trình 14 ngày lên men của tỏi, các bạn có thể kiểm tra sản phẩm hàng ngày để xem đã đạt tới mức yêu cầu hay chưa, chỉ cần lưu ý đóng nắp nồi ngay sau khi mở và để không quá 5 phút nhé.
Tỏi đen đạt yêu cầu là có màu đen nhánh, mịn, mềm, có vị hơi chua và ngọt của trái cây và quan trọng nhất là không còn vị hăng của tỏi sống ban đầu.
Điều này được lý giải là do hàm lượng carbohydrate đã tăng từ 28,7% (trong tỏi tươi) lên tới 47,9% (trong tỏi đen) sau quá trình lên men nên mới cho ra các tép tỏi có vị ngọt như vậy.
Cách sử dụng và bảo quản tỏi đen
Cách sử dụng tỏi đen: Tỏi đen chỉ cần bóc lớp vỏ bên ngoài là đã có thể ăn được ngay. Bên cạnh đó, tỏi đen còn được dùng kết hợp với một số loại nguyên liệu khác để tăng hiệu quả.
Tỏi đen ngâm với mật ong để tăng công dụng hoặc tỏi đen ép lấy nước để dùng làm đẹp và trộn với các thành phần khác để làm mặt nạ chăm sóc da.
Xem thêm: Bất ngờ với Tác dụng của Tỏi Đen
Liều lượng dùng tỏi đen: Nên dùng đều đặn hàng ngày từ 2 đến 4 củ mỗi ngày, chia làm 2 bữa (sáng và tối), mỗi bữa từ 1 đến 2 củ.
Thời gian dùng tỏi tốt nhất là 15 phút trước bữa ăn hoặc đối với những ai mắc chứng đau dạ dày thì nên dùng sau bữa ăn 15 phút.
Nên nhai kỹ và lâu để tăng tác dụng của tỏi, sau khi ăn xong thì nên uống một ly nước lọc để tăng khả năng hấp thụ các dưỡng chất có trong tỏi.
Cách bảo quản tỏi đen: Thông thường tỏi đen làm tại nhà sẽ hay bị ướt hơn so với tỏi mua ngoài thị trường nên các bạn cần chú ý cách bảo quản sao cho để được lâu hơn.
Nên để tỏi ở nơi khô thoáng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời sau 7-10 ngày làm tỏi. Nếu tỏi có tình trạng ướt thì nên phơi nắng vài ngày rồi phơi gió 1-2 ngày, sau đó cất vào hũ thủy tinh đậy kín là được, có thể bỏ thêm giấy hút ẩm vào hũ để trung hòa độ ẩm.
Vậy còn chần chừ gì nữa, các chị em hãy áp dụng ngay cách làm đơn giản này để có tỏi đen sử dụng hàng ngày nhé!